Top 20 món ăn truyền thống Việt Nam thu hút du khách nước ngoài

Kích thước chữ
  • Mặc định
  • Lớn hơn

Một trong những lý do khiến Việt Nam được bạn bè quốc tế yêu mến chính là nền văn hóa lâu đời với các món ăn hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc. Với bề dày lịch sử cùng nhiều nét văn hóa địa phương, nước ta có rất nhiều món ăn truyền thống nổi tiếng giúp gây ấn tượng và khiến thực khách lưu luyến. Cùng chúng tôi tìm hiểu một số món ăn truyền thống Việt Nam nổi tiếng nhất sau đây.

Phở

Phở là một trong những món ăn truyền thống Việt Nam được rất nhiều người yêu thích. Đây không chỉ là món ăn quen thuộc với người dân Việt Nam mà còn là nét văn hóa đặc trưng của ẩm thực dân tộc, được bạn bè quốc tế yêu thích và tự hào được thêm vào từ điểm tiếng Anh Oxford giản lược và từ điển Merriam-Webster nổi tiếng của Mỹ.

Phở Việt Nam là món ăn nổi tiếng trên thế giới
Phở Việt Nam là món ăn nổi tiếng trên thế giới

Món phở được bắt nguồn từ miền Bắc Việt Nam, sau này du nhập vào miền Trung, miền Nam và được biến tấu theo khẩu vị của người dân mỗi vùng miền. Một bát phở cơ bản sẽ có phần bánh phở, thịt bò tái, hành tây, rau thơm, nước dùng và các gia vị. Cho tới nay, món ăn cũng đã được chế biến thành nhiều loại hình để giúp thực khách có thêm lựa chọn như phở nạm, phở gà, phở cuốn, phở xào,…

Bánh cuốn

Bánh cuốn cũng là một món ăn truyền thống Việt Nam quen thuộc với nhiều người. Ở bất kỳ địa phương, vùng miền nào, đây cũng là món ăn sáng bình dân được nhiều người yêu thích bởi dễ tìm mua, dễ ăn, ngon miệng và no lâu. Nếu có dịp trải nghiệm món bánh cuốn ở nhiều nơi, bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng mỗi vùng miền sẽ có kiểu bánh cuốn khác nhau, tạo nên hương vị khác nhau.

Bánh cuốn với nước dùng ninh xương đậm đà
Bánh cuốn với nước dùng ninh xương đậm đà

Một số kiểu bánh cuốn phổ biến thường gặp mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy khi đến các vùng, miền khác nhau như:

  • Bánh cuốn Cao Bằng: món này có ở nhiều tỉnh thành phía Bắc, đặc trưng bởi phần bột bánh cuốn cuộn lại, ăn cùng nước ninh xương và hành lá, trứng gà.
  • Bánh cuốn Lạng Sơn: bánh cuốn Lạng Sơn có lớp bột dày, cuộn thêm phần nhân với trứng lòng đào, thịt xay và ăn cùng với nước dùng ninh xương hoặc nước giấm đường xì dầu.
  • Bánh cuốn Nam Định: bánh cuốn rất mỏng, dẻo dai, ăn kèm rau thơm, rau mùi, hành phi và chả quế.
  • Bánh cuốn Hải Phòng: bánh cuốn được tráng sẵn thành nhiều lớp mỏng, chồng lên nhau. Khi ăn bóc các lớp ra, thêm hành phi, ăn cùng nước hầm xương nóng hổi và chả viên siêu ngon.
  • Bánh cuốn Sài Gòn: bánh cuốn Sài Gòn có lớp bột dày, nhân thịt băm, mộc nhĩ, hạt tiêu. Loại bánh này ăn kèm với nước mắm ngọt, kèm với nem chua, chả lụa, giá đỗ, rau thơm, bánh tôm. 

Xem thêm: 1 bịch bánh tráng trộn bao nhiêu calo? Ăn có béo không?

Bánh mì

Bánh mì cùng phở và áo dài là 3 nét đặc trưng cho văn hóa việt Nam tự hào được công nhận trong từ điển Oxford. Đây là món ăn bình dân quen thuộc, cũng là món ăn truyền thống Việt Nam mà du khách tới nước ta nhất định phải thử. Món ăn này có mặt trên khắp các đường phố, thôn quê Việt Nam, với phần vỏ bánh mì vàng, giòn kết hợp khéo léo với phần nhân.

Món ăn truyền thống bình dị từ bánh mì
Món ăn truyền thống bình dị từ bánh mì

Bánh mì là thực phẩm dễ ăn, no lâu và dễ kết hợp được với nhiều món khác. Vậy nên người ta có thể kết hợp bánh mì với rất nhiều loại nhân khác nhau như bơ đường, chả lụa, thịt nướng, pate, xúc xích, trứng ốp la, rau dưa, chà bông, xíu mại…

Bún chả

Nhắc tới các món ăn truyền thống Việt Nam thì chắc chắn không thể không nhắc tới món bún chả nổi tiếng. Món ăn này có xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam, là một nét đặc trưng của ẩm thực Việt. Tại Hà Nội, đây là món ăn lâu đời, phổ biến và được nhiều du khách biết tới, thân thương gọi là “bún chả Hà Nội”.

Bún chả quạt hấp dẫn của người miền Bắc
Bún chả quạt hấp dẫn của người miền Bắc

Một phần bún chả sẽ sử dụng bún sợi nhỏ, ăn cùng chả viên, chả miếng hay chả quạt. Phần nước dùng bún chả luôn là nước hầm xương nóng hổi, pha cùng mắm chua ngọt, ăn cùng đu đủ xanh và rau thơm. Những người chưa ăn thường nhầm lẫn bún chả với bún thịt nướng của miền Trung, miền Nam. Tuy nhiên, đây là hai món ăn hoàn toàn khác nhau bởi bún thịt nướng chỉ trộn nước mắm chua ngọt, ăn nguội chứ không được nóng hổi, đậm đà và cầu kỳ như bún chả.

Gỏi đu đủ cũng là một trong những món được truyền thống của người Việt Nam ta, vậy bạn đã biết cách làm món gỏi đu đủ Thái siêu hấp dẫn này chưa, nếu chưa biết thì hãy để S-Life hướng dẫn nhé.

Bánh đa cua

Chúng ta đã nghe nhiều về các món ăn dạng sợi như phở, bún, miến nhưng bánh đa cũng là một món ăn rất ngon mà không phải ở đâu cũng có. Bánh đa cua là món ăn nổi tiếng, là nét văn hóa đặc trưng của ẩm thực thành phố Hải Phòng. Bánh đa cua Hải Phòng sử dụng sợi bánh đa đỏ, sợi bánh dẹt, dai, không dễ bị bở hay nát như phở, miến.

Bánh đa cua hải sản nổi tiếng của thành phố Hoa phượng đỏ
Bánh đa cua hải sản nổi tiếng của thành phố Hoa phượng đỏ

Bánh đa cua có nước dùng nấu từ gạch và thịt cua đồng cùng với xương ống, ăn cùng tôm nõn, bề bề, thịt cua bể, chả lá lốt và các loại rau cần, rau rút,… Ăn bánh đa cua không thể thiết tương ớt đặc trưng của Hải Phòng. Món ăn bánh đa cua nóng hổi, đầy đặn, ngọt lành cùng tương ớt cay nồng, đậm đà chính là món ăn đại diện cho văn hóa, ẩm thực và con người nơi đất Cảng.

Sủi dìn

Hải Phòng không chỉ nổi tiếng là thành phố với hoạt động kinh tế cảng biển phát triển hàng đầu mà còn nổi tiếng bởi nhiều nét ẩm thực ấn tượng. Trong đó, sủi dìn là một trong số các món ăn nhất định phải thử trong “food tour” Hải Phòng của bất cứ thực khách nào. Món sủi dìn là thức ăn đường phố vào mùa đông, là món ăn nóng hổi bắt nguồn từ cộng đồng người Hoa ở Hải Phòng xưa, lấy cảm hứng từ món bánh trôi nước.

Sủi dìn thơm ngon, nóng hổi cho ngày đông lạnh
Sủi dìn thơm ngon, nóng hổi cho ngày đông lạnh

Món ăn này gần giống bánh trôi nước truyền thống nhưng sẽ ăn cùng với mè đen rang, dừa nạo và nước dùng nấu với gừng, đường đen. Ngoài ra, phần nhân sủi dìn cũng được làm từ mè đen, cùi dừa và lạc rang béo ngậy, tạo nên màu đen đặc trưng ẩn sau lớp vỏ trắng muốt của từng viên sủi dìn. Ngồi giữa trời đông lạnh giá, thưởng thức bát sủi dìn nóng hổi, thơm lừng chính là thói quen giản dị, cũng là nét văn hóa đáng nhớ của mỗi người con thành phố biển Hải Phòng.

Bánh chưng

Bánh chưng là một biểu tượng đặc trưng trong ngày Tết, cũng là một món ăn truyền thống Việt Nam đại diện cho nền văn hóa lâu đời của dân tộc. Truyền thuyết kể rằng, bánh chưng – bánh giầy có từ thời Vua Hùng, là món ăn thể hiện lòng biết ơn của thế hệ con cháu đối với trời đất. Trong đó, bánh giầy hình tròn là trời, còn bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất.

Bánh chưng là món ăn đại diện cho nền văn hóa lâu đời
Bánh chưng là món ăn đại diện cho nền văn hóa lâu đời

Món bánh chưng được gói bằng lá dong hoặc lá chuối, phần vỏ bánh là gạo nếp màu xanh, phần nhân là đậu xanh nhuyễn và thịt ba chỉ. Đây là món bánh luôn xuất hiện trong các gia đình vào dịp Tết, là món không thể thiếu trong mâm thờ ngày Tết của người dân Việt Nam.

Nem cua bể

Trong danh sách các món ăn truyền thống Việt Nam, nem cua bể chính là món ăn đặc trưng, thơm ngon và rất giàu dinh dưỡng. Đây là một món ngon nổi tiếng trong ẩm thực Hải Phòng. Món nem cua bể ngon phải có thịt cua bể tươi, kết hợp với gạch cua, thịt tôm, bề bề, thịt lợn, cà rốt, giá, mộc nhĩ,…

Món nem cua bể thơm ngon, giàu dinh dưỡng
Món nem cua bể thơm ngon, giàu dinh dưỡng

Phần nem cua được gói trong vỏ bánh đa nem, chiên chín ngập dầu. Nem chiên chín sẽ được ăn nóng để giữ được vị hải sản ngon nhất, kết hợp với rau sống hoặc bún sợi. Một chiếc nem cua bể vuông vắn cùng với rau thơm và nước giấm mắm tỏi ớt chua ngọt sẽ tạo nên hương vị khó quên cho bất cứ ai may mắn được thưởng thức món ăn này.

Bánh xèo

Bánh xèo là món ăn giản dị, quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là các địa phương Trung Bộ, Nam Bộ. Tên gọi bánh xèo xuất phát từ âm thanh “xèo xèo” hấp dẫn khi đổ bột vào chảo lúc làm bánh. Phần bột bánh xèo màu vàng tráng mỏng, nhân bánh có thịt băm, tôm, đậu xanh, giá đỗ, củ sắn, hành tây hoặc một số loại nhân khác tùy theo cách biến tấu của từng nơi.

Món bánh xèo là đặc sản của người dân Nam Bộ
Món bánh xèo là đặc sản của người dân Nam Bộ

Bánh xèo chế biến xong sẽ ăn cùng nước mắm mặn ngọt, ăn kèm rau sống hoặc nước tương. Ở các địa phương khác nhau, bánh xèo có thể có kích thước to, nhỏ khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung thì thành phần và cách chế biến, cách ăn bánh xèo vẫn đều rất thơm ngon và để lại ấn tượng sâu sắc với thực khách.

Chả mực Hạ Long

Chả mực Hạ Long là món đặc sản quen thuộc, được Kỷ lục Việt Nam xác nhận là một trong những món ăn ngon nhất và chỉ có ở Việt Nam. Món ăn truyền thống Việt Nam này là đặc trưng của vùng biển Quảng Ninh – nơi nổi tiếng với đường bờ biển dài và tiềm năng du lịch, hải sản giàu có.

Chả mực giã tay nổi tiếng của Hạ Long - Quảng Ninh
Chả mực giã tay nổi tiếng của Hạ Long – Quảng Ninh

Món chả mực này có cách làm giống chả thịt thông thường, tuy nhiên không sử dụng thịt lợn mà sẽ dùng mực tươi. Chả mực Hạ Long có vị thơm dậy của mực, miếng chả dai, dẻo nóng hổi, hấp dẫn vị giác mà không cần ăn kèm bất cứ món phụ nào. Chả mực ngon nhất là dùng mực giã tay để giữ độ dai, sau đó thêm vào một số viên thịt mực để tạo vị thơm ngon độc đáo cũng như cảm giác miếng mực dai giòn khi ăn.

Cơm tấm

Những người đã từng ghé đến Sài Gòn có lẽ không còn xa lạ với các hàng cơm tấm được bán rất nhiều trên đường phố. Đây là món ăn truyền thống Việt Nam nổi tiếng, là đặc sản đáng nhớ của miền đất Sài Thành.

Cơm tấm là món ăn đặc trưng của miền đất Sài Gòn
Cơm tấm là món ăn đặc trưng của miền đất Sài Gòn

Sở dĩ có tên gọi cơm tấm là bởi loại cơm này vốn được nấu từ hạt gạo tấm, loại hạt gạo bị gãy, vụn khi xát gạo, nấu thành cơm và ăn kèm nước mắm ngọt. Bởi vậy mà trước kia, loại cơm này trước kia chỉ dành cho các tầng lớp lao động nghèo có thu nhập thấp.

Ngày nay, cơm tấm là món ăn đặc sản, đôi khi còn có giá thành cao hơn nhiều so với cơm phần bình thường, đặc biệt là khi được kết hợp thêm nhiều nguyên liệu phụ như xá xíu, trứng, chả, bì. Năm 2012, cơm tấm đã được vinh danh là một trong những món ngon nhất châu Á.

Xem thêm: 1 chén cơm bao nhiêu calo?

Bún bò Huế

Bún bò là món ăn đặc sản của xứ Huế, là món ăn truyền thống Việt Nam có hương vị đậm đà, được yêu thích và phổ biến trên khắp cả nước. Món ăn này có nguyên liệu chính là bún sợi to, thịt bò tái, giò heo cùng nước dùng bò màu đỏ hấp dẫn. Đôi khi bún bò còn được ăn kèm thêm với thịt bò nạm, chả quế, chả bò, bò viên, huyết heo.

Bún bò Huế với vị cay nồng đặc trưng
Bún bò Huế với vị cay nồng đặc trưng

Tùy theo từng khẩu vị, người ăn bún bò Huế có thể ăn kèm rau muống cọng, sợi hoa chuối bào hoặc giá đỗ. Bởi đặc trưng ăn cay nhiều của người miền Trung nên bún bò Huế luôn có gia vị phụ và ớt sa tế cay. Nếu không ăn được cay, bạn có thể giảm lượng ớt trong sa tế, chỉ dùng phần dầu điều để món ăn có được màu đỏ đẹp mắt cùng gia vị trọn vẹn nhất.

Xem thêm: 1 tô bún bò bao nhiêu calo

Chả nem

Món chả nem là món ăn truyền thống Việt Nam từng được CNN bình chọn là một trong số 10 món ăn ngon nhất Việt Nam. Ở một số vùng miền khác nhau, món ăn này còn có thể có thêm một số tên gọi khác như chả giò, chả ram, nem rán.

Nem rán ăn cùng rau sống và nước mắm
Nem rán ăn cùng rau sống và nước mắm

Chả nem sử dụng phần vỏ là bánh đa nem, nhân gồm có thịt xay, trứng gà, sợi miến, giá đỗ, mộc nhĩ, cà rốt, hành và có thể có hải sản như tôm, thịt cua. Món chả nem được rán giòn tạo màu vàng ươm đẹp mắt. Khi ăn, nem được cắt khúc và ăn cùng với nước mắm tỏi ớt chua ngọt, rau sống và bún sợi nhỏ ngay khi nem còn nóng để giữ hương vị ngon nhất.

Xôi gấc

Xôi gấc là món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam, đặc biệt là khu vực các tỉnh miền Bắc. Món xôi gấc có màu đỏ đẹp mắt, vị thơm bùi, không chỉ ngon miệng, bổ dưỡng, nhiều vitamin A mà còn được xem là món ăn may mắn, phù hợp sử dụng trong các dịp lễ Tết đặc biệt.

Xôi gấc là món ăn quen thuộc với người dân miền Bắc
Xôi gấc là món ăn quen thuộc với người dân miền Bắc

Xôi gấc được nấu từ hạt gạo nếp trộn chung với ruột gấc và hạt gấc để gạo có màu đỏ cam, mùi xôi thơm, dẻo và ngọt hơn. Ở một số dịp đặc biệt, xôi gấc nấu xong còn được đổ khuôn hoa văn, làm thành nhiều tầng hay xen kẽ một lớp đậu xanh nhuyễn để giúp món ăn đẹp mắt, ngon miệng hơn.

Xem thêm: Xôi bao nhiêu calo?

Nem chua

Nước ta tự hào là nơi có nền văn hóa lâu đời cùng nền ẩm thực phong phú với nhiều món ăn độc đáo. Trong số đó, nem chua được biết đến là một món ăn truyền thống Việt Nam gây ấn tượng rất mạnh với bạn bè quốc tế. Thực chất, món nem chua được chế biến cùng thịt sống, bì và các gia vị. Tuy nhiên món ăn này không qua chế biến nhiệt mà lợi dụng môi trường khí hậu nóng ẩm, tạo sự sinh sôi vi khuẩn có lợi, giúp nem lên men tự nhiên và có thể ăn mà không hề gây hại cho cơ thể.

Nem chua là món ăn khoái khẩu của nhiều người
Nem chua là món ăn khoái khẩu của nhiều người

Ở nước ta, nem chua được ưa chuộng và trở thành đặc sản của nhiều địa phương. Một số nơi có truyền thống làm nem chua nổi tiếng có thể kể đến như: nem chua Thanh Hóa, nem Lai Vung Đồng Tháp, nem chua Huế, nem chua Bình Định, nem chua Ninh Hòa,…

Chả rươi

Chả rươi đặc sản là món ăn truyền thống Việt Nam từng được báo South China Morning Post hết lời khen ngợi về hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Đây là món ăn được làm từ rươi biển tự nhiên, là món ăn đắt đỏ, chỉ có khi mùa rươi đến và người ta thường nói đùa rằng không phải cứ có tiền là sẽ được ăn bởi mùa rươi tự nhiên thường rất ngắn chỉ vài ngày.

Món chả rươi thơm ngon khó cưỡng
Món chả rươi thơm ngon khó cưỡng

Món chả rươi được làm đơn giản từ rươi tươi, thịt lợn xay, trứng gà, hành lá, thì là, ớt, các gia vị và vỏ quýt. Tùy theo khẩu vị, người ta có thể để cả rươi nguyên con trong chả, hoặc băm nhuyễn để tránh hình ảnh con rươi làm trẻ em kinh sợ. Chả rươi khi rán có mùi thơm vô cùng hấp dẫn, mùi thơm bay xa sang tận các gia đình hàng xóm, đủ sức quyến rũ bất cứ thực khách khó tính nào.

Cháo lòng

Cháo lòng là món cháo nấu với lòng lợn đơn giản nhưng lại là món ăn truyền thống Việt Nam được rất nhiều người yêu thích. Món cháo nấu từ nước dùng xương lợn hoặc nước luộc lòng lợn, thêm phần huyết lợn để cháo có màu nâu hấp dẫn. Khi ăn, cháo lòng sẽ ăn cùng nội tạng lợn luộc như gan, lòng non, dồi, dạ dày, sụn và thịt lưỡi, tai lợn.

Cháo lòng Việt Nam là món ăn truyền thống, bình dị
Cháo lòng Việt Nam là món ăn truyền thống, bình dị

Ở miền Bắc, cháo lòng được nấu đặc, hạt cháo rõ, cháo có độ dẻo đặc hấp dẫn ăn cùng với tương ớt và hạt tiêu. Trong khi đó, ở Trung bộ và Nam bộ, cháo lòng thường được nấu khá loãng, hạt cháo ít và trong cháo có thêm giá đỗ. Tuy nhiên, dù được chế biến kiểu nào, món cháo lòng vẫn luôn có một hương vị hấp dẫn rất đặc trưng, là món ăn ấm bụng và giúp thỏa mãn vị giác nhanh chóng cho bất cứ ai.

Trên đây là top 17 món ăn truyền thống Việt Nam được nhiều người yêu thích và đang tạo thành những đặc sản nổi tiếng không thể không thưởng thức. Còn chần chờ gì mà không tìm ăn ngay các món ăn đặc sắc của ẩm thực Việt Nam.

1.7k

Bài viết hữu ích ?

Bài viết cùng chủ đề

Gửi bình luận Đang xử lý...
    Bình luận mới vừa được thêm vào. Click để xem
    0 bình luận

    ĐĂNG KÝ ĐỂ NHẬN ƯU ĐÃI VÀ TƯ VẤN CHI TIẾT TỪ S-LIFE

    Hãy an tâm, thông tin của bạn sẽ được bảo mật tuyệt đối

    TƯ VẤN NGAY

    CHAT TRỰC TIẾP

    1800 2032

    Liên hệ qua zalo