- Mặc định
- Lớn hơn
Tập body combat gần đây đang dần trở thành phương pháp tập luyện hiện đại và được ưa chuộng rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người chưa thực sự hiểu rõ body combat là gì cũng như những tác dụng mà phương pháp này mang lại. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp tất cả những thắc mắc này.
Body combat là gì?
Body combat là tên gọi của phương pháp tập luyện hình thể theo khuynh hướng võ thuật kết hợp với giai điệu âm nhạc. Bài tập body combat thiên về những động tác toàn thân ở cường độ cao với mục đích tăng nhịp tim và đốt cháy năng lượng. Nói một cách khác, body combat có thể xem là hình thức tập cardio cường độ cao với các động tác mạnh mẽ, giúp mang lại hiệu quả giảm cân và xây dựng vóc dáng vượt trội.
Lợi ích khi tập body combat
Bộ môn body combat được nhiều người yêu thích không chỉ bởi sự kết hợp thú vị giữa thể dục và võ thuật mà còn bởi rất nhiều lợi ích to lớn.
Hỗ trợ giảm cân
Một trong những hiệu quả lớn nhất phải kể đến của phương pháp body combat đó là hỗ trợ giảm cân. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tập body combat mỗi 30 phút có thể đốt cháy tới 300 – 400 calo, tương đương với lượng calo bị tiêu hao khi chạy bộ cường độ cao.
Bên cạnh đó, tập body combat cũng sẽ giúp gia tăng nhịp tim và nhiệt độ cơ thể nhanh chóng. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đốt cháy chất béo trong cơ thể, từ đó giúp giảm tỷ lệ mỡ và giảm cân hiệu quả.
Tốt cho tim mạch
Các bài tập body combat có thể đưa nhịp tim tăng lên 80 – 90% nhờ cường độ cao và mạnh mẽ. Tác động này sẽ giúp tim và hệ thống mạch máu được hoạt động liên tục để vận chuyển oxy đến cơ bắp, tăng lưu lượng tuần hoàn máu và ngăn ngừa các nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Đồng thời, bài tập body combat cũng giúp rèn sức bền và sự dẻo dai cho tim để chống lại nhiều nguy cơ bệnh tim mạch nguy hiểm khác.
Giúp cơ bắp săn chắc
Nếu bạn đang thắc mắc tác dụng của body combat là gì thì đó chính là rèn luyện cơ bắp. Các động tác đá, đấm của body combat đòi hỏi sự dồn lực lớn từ tất cả các nhóm cơ trên cơ thể với tốc độ nhanh và tần suất liên tục. Nhờ vậy mà cơ bắp sẽ không ngừng được co duỗi, luyện tập để cải thiện độ dẻo dai, tăng cường sức mạnh và phát triển săn chắc hơn.
Cải thiện sức khỏe xương khớp
Bài tập body combat không chỉ tác động đến cơ bắp mà cũng đòi hỏi chuyển động liên tục từ hệ thống xương khớp. Các động tác body combat với cường độ tăng dần có tác dụng cải thiện sức bền cho xương, tăng phạm vi chuyển động của khớp, tăng cường mật độ xương và giúp hạn chế các nguy cơ chấn thương xương khớp trong hoạt động thường ngày.
Tăng dung tích phổi
Một đáp án khác cho câu hỏi lợi ích của body combat là gì đó chính là tăng dung tích phổi. Cường độ vận động cao của body combat kéo theo nhu cầu oxy lớn của cơ bắp. Vì thế mà việc hít thở cũng cần thực hiện ổn định, người tập cần thở đều, hít sâu nhằm lấy được nhiều oxy vào phổi nhất. Điều này góp phần cải thiện dung tích chứa cho phổi nói riêng và tăng cường sức khỏe cho hệ thống hô hấp nói chung.
Giải tỏa căng thẳng
Nhiều người lựa chọn bộ môn body combat bởi bài tập với các tư thế võ thuật mạnh mẽ này có khả năng giải tỏa căng thẳng, giảm stress rất tốt. Tập body combat sẽ gia tăng hormone endorphin trong cơ thể, tạo ra cảm giác hưng phấn, vui vẻ. Đó cũng chính là lý do vì sao bạn cảm thấy nhẹ nhàng, tích cực và sảng khoái hơn sau mỗi buổi tập luyện với bài tập body combat.
Rèn luyện phản xạ
Lợi ích của body combat hay võ thuật nói chung đó chính là rèn luyện phản xạ và khả năng tự vệ cho cơ thể. Động tác body combat đòi hỏi sự dứt khoát, mạnh mẽ và linh hoạt, tạo cho cơ thể thói quen phản ứng nhanh nhạy với mọi tình huống bất ngờ. Trong một số tình huống khẩn cấp, các động tác mang tính võ thuật của body combat cũng có thể là một cứu cánh để đưa chúng ta ra khỏi trạng thái nguy hiểm khi bị tấn công.
Tìm hiểu thêm: Kickboxing là gì? Những lợi ích khi tập kickboxing
Hướng dẫn thực hiện một số động tác body combat
Khi bắt đầu tìm hiểu body combat là gì, bạn cũng cần nắm được các động tác cơ bản để làm quen với bộ môn này. Có 4 bài tập nhập môn body combat mà bạn cần nắm rõ như sau:
Bài tập đấm tay Uppercut
Đấm tay uppercut là tư thế khá quen thuộc trong boxing và một số hình thức võ thuật hiện đại, thường dùng để đấm vào một bên hay cằm của đối thủ. Bài tập này rèn khả năng quan sát cho mắt, cải thiện sức mạnh cánh tay và giúp phần thân trên săn chắc, dẻo dai hơn.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng với hai chân rộng bằng vai.
- Đưa chân phải lên phía trước một bước, chân trái ở phía sau, trọng tâm dồn đều hai chân.
- Khuỵu nhẹ hai gối, hạ thấp trọng tâm và hơi gập người về phía trước.
- Vặn người sang bên phải, giữ nắm tay trái trước mặt và đấm mạnh nắm tay phải về trước theo góc 45 độ so với bả vai. Lưu ý nắm tay trái giữ cố định và tay phải sau khi đấm xong thì gập lại về trước ngực.
- Lặp lại động tác liên tục 10 – 15 lần sau đó đổi bên và tập tương tự.
Bài tập đấm thẳng Jab cross
Jab cross cũng là một đòn đánh khá cơ bản mà bất cứ ai cũng cần nắm rõ khi tìm hiểu body combat là gì. Động tác này rèn lực đấm chính diện cho cánh tay, hướng mục tiêu nắm đấm đến một bên mặt đối phương và đẩy xéo qua bên còn lại. Jab cross đòi hỏi tốc độ ra đòn thật nhanh, bất ngờ và dồn nhiều lực vào nắm đấm.
Cách thực hiện:
- Đứng với hai chân dang rộng bằng vai hoặc hơn vai.
- Bước chân phải lên phía trước ½ bước, chân trái lùi về sau ½ bước, hông vẫn giữ thẳng.
- Gót chân trái hơi nhấc lên một chút, vai thả lỏng, hai tay nắm lại thành nắm đấm để sát cằm.
- Giữ nắm tay trái lại, giờ nắm tay phải đấm thẳng ra phía trước, cổ tay xoáy lại hướng xuống dưới.
- Sau khi đấm thẳng, thu tay lại vị trí ngang cằm như cũ.
- Lặp lại động tác 15 – 20 lần sau đó đổi bên và tập tương tự.
Bài tập móc ngang
Bài tập móc ngang cũng là một đòn cơ bản rất mạnh mẽ mà người mới tìm hiểu body combat là gì nên nắm rõ. Động tác móc ngang vừa có thể dùng phòng thủ, vừa có thể dùng để tấn công hoặc phản đòn vào phần hàm của đối thủ. Bài tập này thực hiện tốt nhất và giữ lực mạnh nhất khi hai bên có chiều cao ngang bằng nhau.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng với hai chân dang rộng ngang vai, hai nắm tay nắm lại thành nắm đấm.
- Gập khuỷu tay vuông góc, nắm tay để sát ngang cằm.
- Nâng phần khuỷu tay phải lên vị trí cao hơn nắm đấm, xoay người sang bên phải đồng thời dồn lực đưa nắm đấm móc ngang vào má của đối thủ.
- Sau khi đấm, thu tay lại về vị trí ban đầu.
- Lặp lại bài tập liên tục sau đó đổi sang bên trái, có thể ưu tiên tập nhiều hơn cho bên tay thuận hơn.
Bài tập móc dưới
Bài tập đấm móc dưới trong body combat có tính sát thương cao bởi tác động vào mặt đối thủ từ phía dưới hàm. Tuy nhiên, động tác này cũng đòi hỏi tốc độ ra đòn thật nhanh, đúng kỹ thuật để tránh các chấn thương không mong muốn. Với các bạn nữ có chiều cao tối thiểu, động tác móc dưới này sẽ rất phù hợp để sử dụng trong các tình huống tự vệ cá nhân.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng với hai chân mở rộng bằng vai, hai tay nắm lại thành nắm đấm.
- Khuỷu tay hơi gập lại, ép sát cánh tay vào cạnh sườn, nắm đấm thu về để ngang cằm.
- Gập đầu gối và hạ thấp trọng tâm xuống.
- Bật người lên đồng thời giơ nắm tay phải lên cao, đấm móc từ dưới hướng lên phía cằm của đối phương, sau đó thu tay về vị trí cũ.
- Thực hiện động tác liên tục 15 – 20 lần sau đó tập tương tự với nắm đấm bên trái.
Tập luyện body combat cần lưu ý gì?
Đối với những người quan tâm body combat là gì thì cũng cần ghi nhớ những lưu ý tập luyện quan trọng như sau:
- Khởi động kỹ lưỡng: Dành ít nhất 5 phút đầu buổi tập để khởi động toàn bộ cơ thể cũng như các khớp để tránh nguy cơ chấn thương khi luyện tập.
- Tập cùng huấn luyện viên: Người mới tập tốt nhất nên có huấn luyện viên hướng dẫn để được giám sát và điều chỉnh các lỗi sai kỹ thuật kịp thời.
- Kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng: Các động tác body combat cần có lực tốt nên cơ thể cũng cần nền tảng sức khỏe tốt. Do đó, bạn nên xây dựng kế hoạch ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất để tăng cường sức khỏe.
- Chọn trang phục phù hợp: Người tập body combat cần trang bị đầy đủ các phụ kiện như quần áo, giày tập, găng tay hoặc đệm khuỷu tay, đệm đầu gối để phục vụ bài tập và bảo vệ cơ thể khỏi chấn thương.
- Cường độ tập vừa phải: Chỉ nên tập body combat khoảng 2 – 3 buổi mỗi tuần xen kẽ nhau, không nên lạm dụng quá nhiều.
- Kết hợp với bài tập toàn thân: Nên kết hợp body combat với các bài tập thể lực, tập sức mạnh và luyện tập toàn thân khác để phát triển cơ thể toàn diện.
Vừa rồi là toàn bộ thông tin cơ bản nhất để giải đáp body combat là gì cũng như các lợi ích mà body combat mang lại. Slife chúc bạn luyện tập thành công và hiệu quả với bộ môn thú vị này.